Vệ sinh tweeter đúng cách với hướng dẫn từ chuyên gia của Dynaudio
Trong các loại driver thường gặp ở thiết kế loa thông thường, tweeter luôn là củ loa có độ khó cao trong việc vệ sinh, đặc biệt là loại tweeter vòm mềm (soft-dome). Nếu không cẩn thận, bạn sẽ phải tạm biệt chiếc loa của mình trong quãng thời gian chờ gửi
Theo Dynaudio, người chơi audio thường có xu hướng nghĩ đến việc dùng máy hút bụi hay khăn để vệ sinh cho tweeter (bao gồm tweeter soft-dome) do chúng khá nhỏ và khó vệ sinh. Tuy nhiên, hành động này lại có nguy cơ gây hại cao tới củ tweeter hơn tưởng tượng của mọi người. Các trường hợp thường gặp nhất chính là tweeter bị lún, móp méo, thậm chí là bị lủng và không thể sử dụng được.
Làm thế nào để vệ sinh hay xử lý một củ tweeter bị lún? Otto Jørgensen - Giám đốc phòng Chăm sóc khách hàng của Dynaudio, đã trả lời như sau:
“Thông thường, củ loa sẽ tự động thổi bay phần lớn bụi đi mỗi khi người dùng bật nhạc. Với những hạt bụi còn sót lại, người dùng không nên bận tâm đến vì chúng sẽ không gây bất kỳ ảnh hưởng nào tới chất lượng âm thanh của loa. Tuy nhiên, nếu kỹ tính và thích nhìn thấy củ loa sạch sẽ thì chỉ cần thổi nhẹ vào tweeter để sạch bụi là được.”
Theo Otto, dù hành động thổi vào tweeter trông có vẻ kì quặc nhưng đây lại chính là cách an toàn nhất để làm sạch củ loa soft-dome của bạn. Trong khi đó, luồng hơi từ máy thổi khí nén hay máy hút bụi thường rất mạnh và dễ làm tổn hại tới củ loa.
Đối với một tình trạng vòm loa bị lún do sơ ý nhấn tay quá mạnh lúc lau chùi hoặc trẻ con nghịch phá, giải pháp mà Otto đưa ra có vẻ khá hài hước nhưng lại rất hợp lý: đặt môi lên xung quanh vùng bị lún để tạo ra một vùng chân không, sau đó hút mạnh để kéo vòm loa về lại vị trí ban đầu.
Otto lưu ý rằng, giải pháp trên phải được thực hiện càng sớm càng tốt. Nếu để quá lâu, màng loa sẽ cố định ở hình dạng mới và việc đưa lại trạng thái ban đầu là không thể.
Sau khi xử lý, tweeter thường sẽ lưu lại vết tích ở vùng bị lún và dĩ nhiên, không có cách nào để xử lý vấn đề này. Thậm chí, những vết quá lớn sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng âm thanh do tweeter tái tạo.
“Trong trường hợp củ loa bị hư hại nặng thì dấu hiệu nhận biết sẽ trở nên rõ ràng hơn,” Otto chia sẻ. “Ví dụ, lực nhấn quá mạnh không chỉ gây móp méo màng loa mà còn có thể làm hỏng cuộn dây loa (hay voice coil), khiến tweeter không thể phát ra âm thanh hoặc tạo ra tiếng động lạ. Trong những lúc như thế, cách tốt nhất là mang loa của bạn đến cửa hàng để những kỹ thuật viên chuyên nghiệp kiểm tra và sửa chữa.”
>>> Loa Nghe Nhạc
>>> Đầu karaoke
>>> Loa kéo
Bình luận - Đánh giá