U-Basik 5/8: Loa bookshelf nhỏ mà có võ đến từ Audel

Bảo Châu News 2 năm trước 377 lượt xem
Facebook LinkedIn Pinterest Twitter

    Loa U-Basik 5/8 là sản phẩm mới nhất đến từ thương hiệu hi-end Audel, được chế tạo thủ công tại Ý bởi các kỹ sư, nghệ nhân tràn đầy niềm đam mê với âm nhạc và âm thanh.

     

    U-Basik 5/8 là đôi loa bookshelf mới nhất đến từ thương hiệu Audel và nhanh chóng trở thành một trong những đôi loa bán chạy của hãng ở thời điểm hiện tại. Như hầu hết các sản phẩm trước đó từ Audel, U-Basik 5/8 có thiết kế rất tinh tế với thùng loa gỗ bạch dương ép đa lớp, song song đó là khả năng trình diễn âm nhạc một cách tinh tế, đậm chất người Ý. 

     

    Như Audel giới thiệu, U-Basik 5/8 tuy chỉ là bookshelf nhưng khả năng trình diễn lại không hề thua kém những đôi loa cột, đặc biệt là ở dải trung và cao. Thậm chí, audiophile có thể sử dụng U-Basik 5/8 là loa nghe chính tại nhà. 

     

    Với kích thước nhỏ gọn, U-Basik 5/8 hoàn toàn phù hợp với mọi không gian nghe nhạc tại gia hiện nay. Hơn nữa, trọng lượng của loa khá nhẹ giúp việc bố trí vào không gian trình diễn trở nên đơn giản, ai cũng có thể thực hiện được. Tùy theo mục đích mà người dùng có thể đặt loa ở trên chân chuyên dụng  của Audel, hoặc bố trí ngay trên kệ TV, kệ sách giống như một món phụ kiện nội thất cao cấp. 

    Nghe thử

     

    Hệ thống nghe thử loa Audel U-Basik 5/8 gồm có power amp monoblock NuPrime STA-9X, preamp NuPrime PRA-9X, đầu giải mã NuPrime DAC Pre 9SE, đầu phát CD TEAC ZD-7000, đầu băng cassette Tascam 122 MK III, máy tính iMAC (phát nhạc số) và mâm đĩa than Pioneer XL-1650 dùng kim MM Concept. Hệ thống sử dụng dây tín hiệu, dây nguồn từ các thương hiệu Furutech, Synergistic Research, Kimber Kable, Analysis và Accuphase. 

     

    Chúng tôi nghe CD “Dư âm – Những tình khúc vang bóng”. Bài hát Đêm Đông của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương rất ám ảnh. Ngay cả nhạc dạo vào được bài hát cũng khó khăn. Một chiều Đông, chiều ngày mà mọi người sẽ đón Tết, cái Tết đầm ấm với những người yêu thương. Cậu học trò mới lớn không về được nhà, chạnh lòng, cám cảnh với khung cảnh tiêu điều của một đêm đông. Nhạc và lời đều không quá phức tạp nhưng chúng quấn lấy nhau khiến cho bài hát trở thành một bài hát của nỗi buồn, nỗi nhớ. “Ta mơ giấc mơ gia đình yêu thương” và cậu bé mới lớn âm thầm thương cảm cho ‘cô lữ’ đêm đông không nhà… Không có một thiếu sót nào với đôi loa Audel U-Basik 5/8. Nhạc và lời đã lên đầy đủ, phù hợp.

     

    Kế đến là buổi nghe cassette metal với bản Giao hưởng số 40 in G-minor của Mozart. Nhạc bắt vào rất tự nhiên, dễ dàng, dứt khoát và lập tức trình diễn cả nội dung các giai điệu lẫn phô diễn các kỹ thuật hoà thanh (có lý – có giá trị to lớn đến tận ngày nay). Giao hưởng số 40 của Mozart là một trong các bản giao hưởng được hàng trăm nhạc trưởng lớn nhất thế giới bầu chọn là giao hưởng hay nhất mọi thời (xếp thứ 20). Âm nhạc của Mozart luôn bám sát những tiêu chí cơ bản nhất, sơ khai nhất nhưng cũng quan trọng nhất là Cao độ, Cường độ, Trường độ và Âm sắc và phát triển từ đó lên thành những tác phẩm siêu việt mang hiệu ứng Mozart đầy quyền năng. Nhạc của Mozart luôn làm người ta vui lên, phấn chấn lên, kể cả bản Cầu hồn Rê thứ cũng không bị quá bi luỵ. Đó là một kho tàng vô giá các tác phẩm mang dấu ấn không thể thay thế hay bù đắp.

    Đối với nguồn phát là mâm than, chúng tôi nghe thử bản Concierto de Aranjuez in D-major của Nhà soạn nhạc Tây Ban Nha Joaquin Rodrigo (1901 – 1999) viết cho guitar cổ điển do John Williams cùng Dàn nhạc Giao hưởng Philadelphia trình bày (Chỉ huy: Eugene Ormandy (1899 – 1985). Concierto là cách viết đúng, theo tiếng Tây Ban Nha mà giới âm nhạc thống nhất sử dụng cho ‘de Aranjuez’. Đây là một trong những kinh điển của guitar cổ điển suốt thời kỳ lịch sử hình thành và phát triển của cây đàn guitar cổ điển, một trong những tác phẩm mà nhờ nó, cây đàn guitar cổ điển có chỗ đứng xứng đáng trong nền âm nhạc cổ điển hiện đại như bây giờ. Chương 2 Adagio (in B-minor) là chương nhạc rất thành công, được biểu diễn chung với toàn bộ concierto hoặc biểu diễn riêng như tiết mục độc lập. Nhiều người biết giai điệu tuyệt diệu của Adagio cho dù không hề biết đó là một chương của concierto huyền thoại. Giai điệu (da diết, quằn quại) của chủ đề của chương 2 rất ám ảnh. Nên nó cũng có phần làm lu mờ vai trò không thể thiếu của hai chương đầu và cuối.

     

    Để kết thúc buổi nghe thử, chúng tôi bắt đầu chuyển sang nhạc số trực tuyến. Ở thời điểm hiện nay, nhạc số trực tuyến đang chiếm thế thượng phong vì rẻ, đầy đủ, dễ tìm, dễ dùng. Chúng tôi chọn nghe các đoạn, qua đó đánh giá nội dung khó kiểm chứng nhất là cách thể hiện âm sắc của đôi loa, ví dụ như bản 10 violin sonata của Beethoven. 10 sonata này do violin và piano cùng thể hiện như những duo chứ không phải là piano đệm cho violin chơi dù có cả công năng đó. Chúng tôi thấy cây violin đắt tiền của Henryk Szeryng cất tiếng không lẫn vào đâu được. Đó là ngay từ Sonata No.1, Chương 1: Allegro con brio, cây violin quý trong tay Szeryng đã toát lên vẻ quyền quý, tinh tế và mạnh mẽ còn cây đàn piano với kỹ thuật chinh phục đàn piano của nữ nghệ sĩ piano huyền thoại Ingrid Haebler đã thúc đầy cây violin vươn lên chiếm lĩnh các đỉnh cao, rất ấn tượng. Loa 5/8 thể hiện âm sắc Piano, Violin cực hay.

     

    Chúng tôi nghe tiếp 5 cello sonata cũng của Beethoven do Pierre Fournier chơi cello và Artur Schnabel chơi piano. Tại sonata No.1, chương 1, Adagio Sostenuto, cây cello đã “đứng bật dậy” cho cả thế giới biết nó là nhạc cụ như thế nào, nhất là tiếng vang mạch lạc, dứt khoát cũng như những nét chuyển khéo léo của giai điệu cho thấy cây cello đó rất tuyệt vời và người chơi nó đã vô cùng tinh tế khi đánh thức từng mảng tiềm năng của âm sắc tuyệt vời của cây đàn – triết gia – trong dàn nhạc giao hưởng.

    Kết thúc buổi nghe thử là một bản Piano Trio, ở đó, cả 3 cây đàn chính gồm Vua – Piano; Nữ hoàng – Violin và Triết gia – Cello đua nhau thể hiện rất tuyệt vời chương đầu của một trio vô cùng xuất sắc của F.Chopin. Người ta cứ bảo Chopin là thi sĩ của cây đàn piano nhưng tôi nghĩ không phải thế mà đúng ra là, ông đụng phải nhạc cụ nào cũng ra các vần thơ không chỉ tinh tế mà còn mạnh mẽ, không chỉ chỉ biết thu mình vào mà cũng biết bung ra rất ‘chiến đấu’. Đó là Piano Trio in G-minor, chương I: Allegro con fuoco (Nhanh, có lửa). Những mô-tip do Chopin xây dựng cho chương 1 và cho toàn bộ tác phẩm rất đắt, vì thế mà tôi gọi trio này như một trường ca. Cây đàn độc tấu mà Chopin giỏi không chỉ là piano. Ông rất giỏi sáng tác cho cello, nhất là thông qua Cello Sonata in G-minor và Piano Trio in G-minor (Violin, Cello và Piano).

     

    Loa Audel U-Basik 5/8 chỉ gồm treble 29mm vòm mềm và mid bass 130mm, khá nhỏ thớ và công suất không lớn lắm (20 – 120 watt) nhưng nó phát âm rất chững chạc. Trong căn phòng 15m2 của chúng tôi, chúng tôi chỉ chơi ở mức gain của Pre DAC 50/99 và mức gain của Pre PRA-9X 22/99 là đủ nghe hết sức thoả mãn. Cho nên, người chơi âm thanh nên nghe thử loa Audel 5/8 khi có nhu cầu mua loa mới hay "đổi máu hệ thống", vì chơi "loa nhỏ võ cao" cũng là giải pháp rất hợp lý . Đây xứng đáng là một lựa chọn cho đời loa đầu tiên hoặc tiếp theo với đông đảo người nghe.

    Có thể bạn quan tâm:

    Denon DCD-900NE: Lựa chọn đầu phát CD mới trong phân khúc 20 triệu đồng Amply Marantz 40N: Sức mạnh đáng gờm trong thiết kế sang trọng

    Share

    Tin liên quan

    Bình luận - Đánh giá

    Chọn đánh giá của bạn
    Mã xác nhận

      Tin mới