Ra mắt tuyệt tác loa Sonus faber Stradivari G2 thế hệ mới
Dựa trên mẫu Stradivari biểu tượng ban đầu, Sonus faber tạo ra mẫu Stradivari G2 thế hệ mới ứng dụng nhiều cải tiến về thiết kế, kỹ thuật và công nghệ tiến bộ. Tính năng điều chỉnh loa trầm phù hợp với từng phòng nghe khác nhau là một yếu tố độc đá
Sonus faber vừa chính thức trình làng mẫu loa nghe nhạc Stradivari G2 thế hệ mới, một thiết kế mang tính biểu tượng của Sonus faber với chất lượng âm thanh đặc sắc, cho trải nghiệm nghe không giống những mẫu loa khác. Stradivari G2 cũng đã được Sonus faber trình diễn tại triển lãm Munich High End Show 2023.
(Loa Sonus faber Stradivari G2 ra mắt, trình diễn tại triển lãm Munich High End Show 2023)
20 năm sau thiết kế mẫu nguyên bản ban đầu, Stradivari đã được Sonus faber phát triển thành thế hệ thứ 2 – Stradivari G2, khi được áp dụng các đổi mới sáng tạo và công nghệ kỹ thuật tiến bộ mới. Với các vật liệu hữu cơ đặc trưng – gỗ và da – được kết hợp với công nghệ âm thanh tiên tiến, Stradivari G2 được xem là hình ảnh thu nhỏ, hội tụ các triết lý tinh hoa của Sonus faber.
Trùng hợp với dịp kỷ niệm 40 năm thành lập thương hiệu Loa Sonus faber (thành lập năm 1983), việc hồi sinh mẫu loa biểu tượng Stradivari cũng nhằm tôn vinh cam kết phát triển vững bền luôn hướng tới sự xuất sắc trong thiết kế và kỹ thuật.
(loa Sonus faber Stradivari thế hệ đầu tiên, với thiết kế hình e-lip)
Stradivari là một dự án độc đáo
Được đặt theo tên của nhà sản xuất violin huyền thoại người Ý thời Phục hưng Antonio Stradivari, mẫu loa Stradivari là một minh chứng cho sự cống hiến của Sonus faber với sự đổi mới sáng tạo và sự khéo léo. Antonio Stradivari đã thách thức kỹ thuật chế tạo violin thủ công cổ điển, mở rộng hình dạng của nhạc cụ để tạo ra những thứ âm sắc độc đáo và tô điểm cho những sáng tạo của mình bằng một lớp hoàn thiện bóng sẫm màu. Giống như tên gọi của nó, loa Stradivari kết hợp hoàn hảo triết lý thiết kế và kỹ thuật của Sonus faber để tạo ra một âm trường vô cùng đặc biệt.
Đổi mới sáng tạo trên Stradivari G2
Khi chuyển sang thế hệ mới, Stradivari G2 đã trải qua một quá trình chuyển đổi, cải tiến mạnh mẽ từ hình dạng ê-lip nguyên bản ban đầu sang thiết kế tạo hình ngũ giác táo bạo, được thiết kế để phù hợp với những tiến bộ mới nhất trong công nghệ âm thanh và đảm bảo tạo ra trải nghiệm nghe có một không hai. Một trong những đặc tính độc đáo nhất của Stradivari G2 là giải pháp kiểm soát hiệu chỉnh tần số thấp. Kỹ thuật tiên tiến sáng tạo cho phép người nghe có thể điều chỉnh loa trầm phù hợp với kích thước của phòng nghe, tạo ra trải nghiệm âm thanh tối ưu nhất.
Thiết kế của Stradivari G2
Stradivari G2 đại diện cho sự diễn giải lại một cách tỉ mỉ của một trong những mẫu loa dễ nhận biết nhất trong lịch sử âm thanh độ trung thực cao (Hi-Fi). Được chế tạo với sự chú ý tỉ mỉ đến từng chi tiết, lớp hoàn thiện bề ngoài hoàn hảo của Stradivari G2 đã nâng thiết kế của nó lên một tầm cao mới. Cấu trúc loa Stradivari G2 tuân theo các quy trình chế tạo thủ công chặt chẽ, tương tự như được áp dụng cho chế tạo các nhạc cụ quan trọng nhất, đảm bảo trải nghiệm âm thanh thực sự khác biệt.
Các đặc tính nổi bật của loa Stradivari G2
Tweeter DAD 3 chân (Tripod DAD)
D.A.D (Damped Apex Dome) vốn đã là một thiết kế, công nghệ được cấp bằng sáng chế của Sonus faber và áp dụng gần như trên toàn bộ các mẫu loa của hãng. DAD giúp giảm chấn cục bộ ở đỉnh của loa tweeter vòm mềm bằng lụa để tránh hiện tượng phản pha ở khu vực này.
Trên loa Stradivari G2, thiết kế DAD 3 chân (Tripod DAD) còn giúp kiểm soát các dao động của vòm lụa loa tweeter tối ưu hơn nữa, cho phép phân tán và kiểm soát dải tần số cao tốt hơn ngay cả ở các mức âm lượng cao hơn.
Công nghệ Intono
Nhờ việc nghiên cứu về các khoang cộng hưởng và tạo ra một lỗ khoan hiệu chuẩn của buồng âm loa dải trung midrange, công nghệ Intono đảm bảo khả năng tái tạo các âm dải trung một cách tự nhiên nhất có thể. Năng lượng của bộ đệm khí được tạo ra bởi chuyển động của loa được dẫn hướng và giảm bởi ống dẫn Intono, từ đó làm giảm đáng kể kích thước và các bộ phận cấu thành cho bộ phân tần.
PHASE PLUG
Phase Plug, hoàn thiện phần tái tạo dải trung mới của Sonus faber, có chức năng kép: giảm thiểu nhiễu loạn do chuyển động của cuộn dây lõi gây ra nhờ vòng giảm chấn Damping Ring của nó và ưu tiên phân tán bằng cách điều chỉnh cơ học các cộng hưởng trong tần số cao của nón giấy. Kết quả thu được là một bộ lọc âm thanh hoạt động cơ học, giúp đơn giản hóa sơ đồ phân tần thụ động.
Kết cấu liên kết hữu cơ khung driver (basket) loa trầm
Nhờ vào định dạng liên kết hữu cơ, khung củ loa trầm (woofer basket) mới của Stradivari G2, được thiết kế hoàn toàn bởi đội ngũ ở Sonus faber, có hình học độc đáo. Cấu trúc bất đối xứng của nó tác động lên các chế độ rung do màng loa tạo ra, giúp phần khung chống cộng hưởng cực tốt. Đây là một chi tiết cũng được hợp nhất khéo léo giữa cơ học và thẩm mỹ. Dấu ấn liên kết hữu cơ là nguồn cảm hứng cho chi tiết kỹ thuật độc đáo này, hoàn toàn phù hợp với triết lý âm thanh tự nhiên ở mọi sản phẩm của Sonus faber.
Bộ phân tần phù hợp pha
Cấu trúc mạch IFF (Interactive Fusion Filtering), kết hợp với triết lý phù hợp pha “Phase Coherent” mang đến cho người nghe một trải nghiệm âm thanh đắm chìm, nhờ khả năng cảm nhận ba chiều các yếu tố âm nhạc trong sân khấu âm trường. Tất cả các thành phần của bộ lọc thụ động đã được đội ngũ chuyên gia Sonus faber chọn lựa và phân loại kỹ càng, kết quả là tạo ra khả năng tái tạo âm thanh không bị biến dạng ngay cả khi ở các mức độ trải nghiệm nghe rất cao. Các điểm tần số cắt ở 160Hz – 220 Hz và 2.200 Hz.
Công nghệ Clepsydra trong cấu trúc down-firing
Hệ thống phản xạ âm trầm được sử dụng kết hợp một thiết kế hình học mới, nhằm tối đa hóa hiệu suất giảm dần các âm tần số thấp, đồng thời bao gồm cả chiều dài của ống dẫn, cùng với kiểu phát xạ hướng xuống dưới down-firing, đảm bảo người dùng tự do định vị loa ở trong phòng nghe. Việc bố trí các vách ngăn không song song trong buồng âm của loa trầm nhằm tránh sự hình thành sóng dừng trên các tần số được điều chỉnh. Sử dụng công nghệ này là kết quả từ quá trình mô phỏng và hiệu chỉnh cẩn thận do đội ngũ Sonus faber phát triển với mục đích duy nhất là đạt tới cấp độ kỹ thuật cao nhất trong việc tái tạo âm thanh.
Bộ điều chỉnh tần số thấp
Hệ thống điều chỉnh tần số thấp LFA (Low Frequency Adjuster) cung cấp hoàn toàn khả năng kiểm soát hiệu chỉnh dải tần số cực thấp, cho trải nghiệm âm thanh chưa từng có, đồng thời tối ưu hóa với không gian của phòng nghe, nghĩa là có thể hiệu chỉnh để phù hợp với nhiều loại phòng nghe lớn nhỏ khác nhau cùng với những đặc tính âm học của phòng nghe.
LFA là một giải pháp với thiết kế trang nhã, được thiết kế để đạt được kết quả ít xâm lấn nhất có thể, hiệu chỉnh nhanh chóng và đúng chức năng, tích hợp hoàn hảo trong thiết kế tổng thể loa. Công nghệ LFA được lấy cảm hứng từ việc bù đỉnh cộng hưởng của driver trong thùng loa để có thể thu được độ giảm chấn của dải tần thấp mà không cần dùng các điện trở nối tiếp với tín hiệu. Trên bo mạch liền kề với các cổng kết nối, một hệ thống 4 chân đã được tạo ra: một chung và ba thiết bị ngoại vi được kết nối với thiết bị trung tâm bằng một nút neo, trong đó mỗi vị trí trong số ba vị trí thành phần có thể cho phép thiết lập một đáp ứng tần số thấp khác nhau.
Về chi tiết cấu trúc, Stradivari G2 là loa 3.5 đường tiếng đáp ứng tần số 25 Hz – 35 kHz. Thiết kế buồng loa midrange dạng kín trong khi các buồng loa woofer thông hơi tích hợp hệ thống “Stealth Ultraflex” (phản xạ tàng hình) – một công nghệ sáng tạo của Sonus faber cho phép giảm kích thước buồng âm và tạo ra khả năng mở rộng lớn hơn trong đáp ứng tần số thấp và giảm biến dạng. Nó cũng loại bỏ tiếng ồn giả của gió, một điển hình của hệ thống phản xạ âm truyền thống.
Củ loa tweeter Tripod DAD kích cỡ 28mm, củ loa midrange 150mm với hệ thống nam châm Neodymium, 2 củ loa woofer 260mm với hệ thống mô-tơ kép. Độ nhạy của loa ở mức 92 dB SPL (2,83V/1m), trở kháng 4 Ohm và công suất amply đề xuất là 100W – 600W.
Stradivari G2 có kích thước tổng thể (Cao x Rộng x Sâu) tương ứng (1.374 x 715 x 428)mm và trọng lượng 63kg.
Bình luận - Đánh giá